khí thải

Biến đổi khí hậu, ấm lên toàn cầu, với nguyên do là từ việc phát thải khí nhà kính của con người và hệ quả nó mang lại cho chúng ta là những thay đổi quy mô lớn trong các mô hình thời tiết. Mặc dù trong quá khứ từng có những giai đoạn biến đổi khí hậu nhưng kể từ giữa thế kỷ 20 con người đã có tác động chưa từng thấy lên hệ thống khí hậu Trái Đất và gây nên sự biến đổi trên quy mô toàn cầu. Tác nhân chủ yếu làm khí hậu ấm lên là hành vi phát thải khí nhà kính mà trong đó hơn 90% là carbon dioxide (CO2) và methane. Đốt nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên) cho tiêu thụ năng lượng là nguồn khí thải chính, bên cạnh khí thải từ nông nghiệp, phá rừng, và sản xuất công nghiệp. Không có cơ quan khoa học quốc gia hay quốc tế uy tín nào phản bác quan điểm con người gây ra biến đổi khí hậu. Tốc độ gia tăng nhiệt độ được đẩy nhanh hay hãm chậm bởi phản hồi khí hậu, như là việc mất đi lớp phủ băng và tuyết phản chiếu ánh sáng, lượng hơi nước (cũng là một loại khí nhà kính) gia tăng, và những thay đổi ở các bể chứa carbon đất liền và đại dương.
Nhiệt độ trên đất liền tăng cỡ khoảng gấp đôi mức tăng trung bình toàn cầu dẫn đến hậu quả là sa mạc mở rộng cùng cháy thảm thực vật và sóng nhiệt xuất hiện nhiều hơn. Sự gia tăng nhiệt độ còn được khuếch đại ở vùng Bắc Cực, góp phần làm tan tầng băng giá vĩnh cửu, sông băng lùi dần, và hao hụt băng biển. Nhiệt độ ấm lên đang đẩy nhanh tốc độ bay hơi, sinh ra nhiều hơn những cơn bão mạnh và thời tiết cực đoan. Tác động đến hệ sinh thái bao gồm việc nhiều loài phải di dời hoặc tuyệt chủng do môi trường của chúng thay đổi, sớm thấy nhất ở các rạn san hô, những ngọn núi, và vùng Bắc Cực. Biến đổi khí hậu đe dọa đến con người khi nó gây bất an lương thực, khan hiếm nước, lũ lụt, nắng nóng cực đoan, thiệt hại kinh tế và di cư. Những tác động này đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới nhận định biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đến sức khỏe toàn cầu trong thế kỷ 21. Kể cả khi những nỗ lực giảm thiểu sự ấm lên có thành công thì một số tác động sẽ vẫn còn duy trì trong hàng thế kỷ, như mực nước biển dâng, nhiệt độ đại dương tăng, và acid hóa đại dương.Nhiều tác động sẵn đã cảm nhận được với mức ấm lên hiện tại là khoảng 1,2 °C (2,2 °F). Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã đưa ra một loạt báo cáo dự đoán những tác động này sẽ gia tăng đáng kể khi nhiệt độ tiếp tục ấm lên đến 1,5 °C (2,7 °F) và cao hơn. Sự ấm lên thêm còn làm tăng nguy cơ kích hoạt các ngưỡng then chốt gọi là điểm tới hạn. Con người đối phó biến đổi khí hậu bằng phương án giảm thiểu và thích nghi. Giảm thiểu hay hạn chế biến đổi khí hậu bao gồm hành động giảm phát thải khí nhà kính và loại chúng ra khỏi bầu khí quyển bằng biện pháp phát triển và triển khai các nguồn năng lượng ít carbon như gió và mặt trời, loại dần than đá, nâng cao hiệu quả năng lượng, tái trồng rừng và bảo tồn rừng. Thích nghi bao gồm điều chỉnh sao cho phù hợp với khí hậu thực tế hay dự kiến, như thông qua cải thiện bảo vệ bờ biển, quản lý thiên tai tốt hơn, hỗ trợ di dời động thực vật và phát triển những giống cây trồng bền bỉ hơn. Chỉ mỗi thích nghi thì không thể ngăn chặn rủi ro xảy ra những tác động "nghiêm trọng, lan rộng và không thể đảo ngược.Dưới Hiệp định Paris 2015, các quốc gia cùng nhau nhất trí giữ mức ấm lên "không tiệm cận 2,0 °C (3,6 °F)" thông qua những nỗ lực giảm thiểu. Tuy nhiên, kể cả những cam kết có được thực hiện thì ấm lên toàn cầu vẫn sẽ đạt ngưỡng 2,8 °C (5,0 °F) đến hết thế kỷ. Để hạn chế mức tăng chỉ là 1,5 °C (2,7 °F) đòi hỏi đến năm 2030 phải giảm một nửa lượng khí thải và đến năm 2050 giảm xuống gần bằng 0.

View More On Wikipedia.org
Top Bottom