thị trường việt nam

Lê Thị Lựu (chữ Hán: 黎氏榴, 19 tháng 1 năm 1911 – 6 tháng 6 năm 1988) là một họa sĩ chuyên về tranh lụa và tranh sơn dầu. Bà được xem là nữ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam và nằm trong bộ tứ danh họa Việt tại Pháp: Phổ – Thứ – Lựu – Đàm.
Sinh ra trong một gia đình theo Tây học, ngay từ cấp sơ học, Lê Thị Lựu đã hình thành niềm yêu thích với hội họa và quyết định thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi đỗ đầu trường khóa 3 1927, bà sớm được biết đến thông qua hai bức sơn dầu vẽ năm 1929 Thiếu nhi trong vườn chuối và Chân dung Ông Hai, được trưng bày trong triển lãm chung đầu tiên của trường. Các sáng tác chủ yếu của Lê Thị Lựu giai đoạn này là tranh sơn dầu, sở trường chân dung. Sau khi trở thành nữ sinh đầu tiên tốt nghiệp trường, hạng thủ khoa, bà nhanh chóng có được sự công nhận từ giới báo chí, đặc biệt là nhóm Tự Lực văn đoàn. Lê Thị Lựu từng nhận bổ nhiệm làm giáo sư tại nhiều trường học khác nhau trên khắp cả nước. Với tư cách là hướng đạo sinh, bà cũng sáng lập nên tổ chức "Bầy sói con Trứng Rồng". Năm 1940, nữ họa sĩ cùng chồng là Ngô Thế Tân sang Pháp.
Dành phần lớn cuộc đời sống tại Pháp, Lê Thị Lựu đã gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống gia đình và có lúc phải tạm ngưng vẽ tranh suốt nhiều năm, từ thập niên 1930 đến thập niên 1950, ngoại trừ một số bức được thực hiện vào những dịp đặc biệt khác nhau. Khoảng thời gian này, bà tích cực tham gia phong trào chống Pháp trong thời điểm hoạt động cách mạng diễn ra sôi động. Khi trở lại hội họa, Lê Thị Lựu chuyên tâm theo đuổi dòng tranh lụa và kiên trì với trường phái cổ điển, cho ra đời nhiều tác phẩm gây được sự chú ý từ các triển lãm, cửa hàng tranh bên Pháp: thời điểm đầu sáng tác, ba bức tranh lụa nhỏ của Lựu giúp đem về cho nữ họa sĩ giải nhất trong số các tranh và bà được công nhận là thành viên thực thụ của Hội liên hiệp phụ nữ hội họa và điêu khắc Pháp. Trong những năm cuối đời, Lê Thị Lựu đã hoàn thiện nhiều tác phẩm thành công để lại dấu ấn trong sự nghiệp của mình. Họa phẩm cuối cùng mà bà xong trước khi mất là bức Tam đại đồng đường.
Xuyên suốt sự nghiệp sáng tác, số lượng tranh Lê Thị Lựu vẽ ước tính dao động khoảng 250 đến 500 bức. Tuy nhiên các tác phẩm của bà, đặc biệt là tranh lụa, đã nhận về đánh giá cao từ những nhà phê bình chuyên môn và được đem đi bán đấu giá tại Christie's, Sotheby's... thu về số tiền kỷ lục. Vào năm 2018, nhà phê bình Thụy Khuê và chồng bà là ông Lê Tất Luyện – họ hàng của nữ họa sĩ – đã quyết định trao tặng Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh nhiều tranh vẽ, thư từ, thơ Lê Thị Lựu, đồng thời xuất bản cuốn sách Lê Thị Lựu, ấn tượng hoàng hôn, trong đó tổng hợp lại chi tiết cuộc đời nữ danh họa cùng cuộc sống của những họa sĩ người Việt từng tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương tại Pháp.

View More On Wikipedia.org
Top Bottom