trần thái tông

Trần Thái Tông (chữ Hán: 陳太宗 9 tháng 7 năm 1218 – 5 tháng 5 năm 1277), tên khai sinh là Trần Cảnh (陳煚), là vị hoàng đế đầu tiên của Hoàng triều Trần nước Đại Việt. Ông giữ ngôi từ ngày 10 tháng 1 năm 1226 tới ngày 30 tháng 3 năm 1258, sau đó làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời năm 1277.
Trần Cảnh sinh ra vào thời Lý, quê ở huơng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Ông là con của Trần Thừa là Phụ quốc Thái úy của Nhà Lý do có công phò tá vua Huệ Tông trong loạn Quách Bốc. Họ Trần lúc này đã là thế lực chính trị nắm triều đình nhà Lý. Lên bảy tuổi, ông được Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ vốn là chú họ tiến cử làm Chi hậu chính chi ứng cục, hầu hạ cho nữ hoàng nhỏ tuổi Lý Chiêu Hoàng. Cuối năm 1225 – đầu năm 1226, Trần Thủ Độ buộc Lý Chiêu Hoàng cưới và nhường ngôi cho Trần Cảnh, tức Hoàng đế Trần Thái Tông. Tân hoàng đế mời cha là Trần Thừa làm Thái thượng hoàng, Trần Thủ Độ làm Thái sư, lại phong Chiêu Hoàng làm Chiêu Thánh Hoàng hậu. 12 năm sau, Trần Thủ Độ ép Thái Tông phế Chiêu Thánh vì không sinh được người kế vị, và lập chị Chiêu Thánh là Thuận Thiên lên thay. Thuận Thiên vốn là vợ của anh Thái Tông là Trần Liễu, và khi ấy đang có thai với Trần Liễu 3 tháng. Việc này đã khiến Trần Liễu làm loạn ở sông Cái, nhưng cuối cùng bị thất thế, Trần Thủ Độ muốn giết nhưng Thái Tông can thiệp, tha chết cho anh mình.Cùng với Thượng hoàng Trần Thừa (mất năm 1234) và Thái sư Trần Thủ Độ (mất năm 1264), Trần Thái Tông đã tiến hành cải tổ luật pháp, hành chính, đồng thời khuyến khích nông, thương nghiệp và phát triển nền giáo dục Tam giáo đồng nguyên. Ông cũng xây dựng quân đội mạnh và ngăn chặn quân Chiêm Thành cướp phá mạn nam. Theo nhà chép sử Lê Tung đời Lê sơ: "chế độ nhà Trần do đấy hưng thịnh". Trong thời gian đó, trên hướng bắc Đại Việt, dân tộc Mông Cổ đã trỗi dậy thành một đế quốc quân sự lớn. Năm 1258, tướng Mông Cổ Ngột Lương Hợp Thai đem quân tấn công Đại Việt. Trần Thái Tông trực tiếp lãnh đạo kháng chiến và cuối cùng đã đánh bại người Mông Cổ. Không lâu sau chiến thắng, ông nhường ngôi cho Thái tử Hoảng, tức Hoàng đế Trần Thánh Tông, và được tôn làm Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế (顯堯聖壽太上皇帝). Thượng hoàng vẫn có ảnh hưởng lớn đến việc triều chính cho đến khi mất năm 1277. Ông còn là một thiền sư Phật giáo, đã truyền dạy kinh nghiệm tu hành của mình qua các tác phẩm Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, Chú giải Kinh Kim cương Tam muội và Lục thời sám hối khoa nghi. Ông được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm – giáo hội thống nhất đầu tiên của đạo Phật tại Việt Nam – vào cuối thế kỷ XIII.

View More On Wikipedia.org
Top Bottom